Chắc có lẽ không ít bạn thích ăn tokbokki như mình nhưng lại sợ độ cay nhỉ, mê cái cục bánh gạo dẻo dẻo dai dai mà hầu hết các nơi đều bán bánh gạo vị truyền thống sốt tương ớt cay quá mức bản thân cho phép..Các bạn không cô đơn đâu, chính vì nhiều người cũng không thể ăn cay nên họ đã sáng tạo ra các công thức sốt không cay dành cho món tokbokki. Và sau đây là 5 cách làm tokbokki không cay mình sưu tập được, sẽ được lưu hành nội bộ trong hội không-giỏi-ăn-cay của tụi mình. Ai ăn cay được mà vẫn muốn thử hương vị mới lạ thì vẫn có thể làm theo nhé!
RECIPE #1: TOKBOKKI SÚP KEM
NGUYÊN LIỆU
- 200g tokbokki (bánh gạo)
- 1 gói súp kem Ottogi 80g
- 90g xúc xích Vienna
- 800ml nước
- ½ củ hành tây
- 1 chén bắp luộc
- 4 muỗng sốt mayonnaise (tùy chọn)
- Phô mai mozzarella
- Hạt tiêu
- Mùi tây
THỰC HIỆN
Bước 1: Ngâm 200g bánh gạo sấy khô vào nước trong 20 phút để bánh gạo mềm. Sơ chế các nguyên liệu còn lại như hành tây rửa sạch, cắt sợi. Bắp luộc cắt ra để vào chén riêng. Bạn có thể sử dụng thay thế các loại rau củ tùy thích.
Bước 2: Bắt chảo nóng và cho vào một ít dầu ăn. Cho vào chảo với hành tây, bắp luộc và 4 muỗng mayonnaise (nếu không thích mayonnaise có thể bỏ qua), sau đó vặn nhỏ lửa và xào cho đến khi hành tây hơi trong.
Bước 3: Trong một cái tô lớn, pha gói bột súp kem Ottogi và 800ml nước cho đều rồi đổ vào chảo xào chung với rau củ.
Bước 4: Khi súp bắt đầu sôi, bạn cho xúc xích vào rồi đun trong khoảng 2 – 3 phút nữa thì vớt bánh gạo cho vào đun chung.
Bước 5: Tiếp tục đun súp và khuấy đều cho đến khi hơi sệt lại, sau cùng khi gần xong thì rắc phô mai mozzarella lên trên cho tan chảy rồi tắt bếp là đã hoàn thành.
Ngoài phiên bản súp kem của Ottogi, bạn có thể sử dụng thay thế sản phẩm sốt thịt bò hoặc sốt nấm của hãng tùy theo sở thích, loại nào cũng rất hợp vị và tạo ra hương vị mới lạ riêng.
Tokbokki súp kem sẽ có hương vị mới lạ và khác hẳn so với tokbokki hương vị truyền thống khi nấu cùng sốt gochujang. Món ăn ghi điểm với hương thơm nức mũi, vị béo ngọt nhẹ của sốt kem cùng phô mai mozzarella kéo sợi thú vị. Đối với những ai không ăn được cay thì phiên bản bánh gạo sốt kem này là một sự lựa chọn rất đáng thử nhé.
RECIPE #2: TOKBOKKI SỐT TƯƠNG ĐEN
NGUYÊN LIỆU
- 500g tokbokki
- 4 lát chả cá
- 2 quả trứng
- 1 củ hành tây
- 1 cây hành paro
- 3 cốc rưỡi nước
LÀM SỐT TƯƠNG ĐEN
- 6 muỗng bột tương đen
- 6 muỗng nước
- ½ muỗng tỏi băm
- 1 muỗng nước tương
- 1 muỗng nước đường
- 1 muỗng tương ớt Hàn Quốc (tùy chọn)
THỰC HIỆN
Bước 1: Đối với tokbokki sấy khô đông lạnh, bạn ngâm vào trong nước ấm 10 phút trước khi nấu để tokbokki được mềm.
Sơ chế các nguyên liệu khác: trứng gà luộc sẵn rồi lột vỏ. Hành tây rửa sạch, lột vỏ rồi cắt sợi vừa ăn. Hành paro cắt nhỏ. Chả cá rã đông rồi cắt thành miếng nhỏ vừa ăn.
Bước 2: Làm sốt tương đen: Cho 6 muỗng bột tương đen, 6 muỗng nước, ½ muỗng tỏi băm, 1 muỗng nước tương, 1 muỗng tương ớt Hàn Quốc, 1 muỗng nước đường nấu ăn rồi trộn đều. Lưu ý tương ớt Hàn Quốc sẽ không cay nhiều, nhưng nếu bạn muốn làm cho trẻ em ăn nữa thì có thể bỏ qua.
Bước 3: Bắt chảo lên bếp đun nóng, cho thêm một ít dầu. Sau đó cho hành paro và hành tây vào xào cho đến khi hành tây chín chuyển thành màu trong.
Bước 4: Khi hành đã chín, bạn cho 3 cốc rưỡi nước vào và đun cho đến khi nước sôi. Sau đó vớt bánh gạo đã ngâm cho vào chảo nấu chung.
Bước 5: Cho thêm sốt tương đen đã chuẩn bị vào chảo và đun sôi.
Bước 6: Kiểm tra nếu bánh gạo đã mềm thì cho thêm phần chả cá đã cắt nhỏ vào và tiếp tục đun thêm 2 phút thì tắt bếp. Khi ăn thì dọn ra dĩa và rắc thêm một ít hành paro và cắt hai quả trứng luộc ăn cùng sốt tương đen sẽ rất ngon đấy.
|
RECIPE #3: TOKBOKKI SỐT CÀ CHUA
NGUYÊN LIỆU
- 1 quả cà chua
- 200g tokbokki
- 100g chả cá Hàn Quốc
- 1 miếng phô mai cheddar
- 1 muỗng tương ớt Hàn Quốc
- 200g sốt cà chua
- 1 muỗng nước đường nấu ăn
THỰC HIỆN
Bước 1: Đầu tiên là bước sơ chế các nguyên liệu. Bánh gạo sấy khô đem ngâm nước ấm trong 10 – 15 phút cho mềm. Chả cá rã đông tự nhiên, sau đó cắt thành từng miếng với kích thước vừa ăn. Sơ chế cà chua: Rửa sạch, cắt bỏ đầu rồi cắt cà chua thành từng miếng nhỏ.
Bước 2: Đun nóng chảo, cho 100ml nước vào rồi cho 200g sốt cà chua vào đảo chung. (Nếu bạn không có sốt cà chua thì có thể tự làm bằng cách dằm nhuyễn cà chua chín ra để thay thế nhé).
Bước 3: Cho tiếp vào chảo 1 muỗng tương ớt Hàn Quốc rồi khuấy đều. Tương ớt thêm vào để tạo thêm hương vị chứ sẽ không bị cay đâu nhé.
Bước 4: Khi chảo sốt gần sôi thì cho cà chua cắt nhỏ vào.
Bước 5: Khi sốt sôi trở lại, bạn cho tokbokki và chả cá vào chảo và khuấy đều.
Bước 6: Đảo đều sốt cho đến khi sốt sệt lại, cuối cùng bạn cho lát phô mai cheddar + 1 muỗng nước đường nấu thêm 2 – 3 phút nữa thì tắt bếp là hoàn thành món tokbokki sốt cà chua rồi nhé.
RECIPE #4: TOKBOKKI NƯỚC TƯƠNG
NGUYÊN LIỆU
- 100g tokbokki
- 1 cây hành paro
- 2 muỗng nước tương
- 2 muỗng đường
- 1 muỗng tỏi băm
THỰC HIỆN
Bước 1: Đầu tiên mình sẽ tiến hành làm sốt nước tương trước. Trong một chén nhỏ, cho 2 muỗng nước tương + 2 muỗng đường + 1 muỗng tỏi băm trộn đều.
Bước 2: Hành paro nhặt lá, rửa sạch rồi cắt dọc thành từng khúc như chiều dài của bánh gạo.
Bước 3: Nấu sôi nước, rồi cho bánh gạo sấy khô vào luộc mềm trong 1 phút. Sau đó vớt bánh gạo ra để cho thật ráo nước.
Bước 4: Đun nóng chảo, cho một ít dầu ăn vào. Sau đó cho bánh gạo vào xào ở lửa nhỏ.
Bước 5: Tiếp tục cho sốt nước tương đã chuẩn bị vào chảo, đảo chung với bánh gạo khoảng 3 phút cho thấm đều.
Bước 6: Cuối cùng, cho hành paro vào đảo sơ rồi tắt bếp là bạn đã hoàn thành món Tokbokki sốt nước tương rồi nhé.
Món Tokbokki sốt nước tương có vẻ là phiên bản bánh gạo vô cùng đơn giản, cần ít nguyên liệu và vô cùng dễ làm. Tuy vậy, hương vị mới lạ hấp dẫn không kém với vị mặn ngọt vừa phải cùng với hương thơm từ sốt tỏi nước tương khiến bạn ăn hết lúc nào không biết đó nha.
|
RECIPE #5: TOKBOKKI NƯỚNG CHẤM MẬT ONG
Một phiên bản khác vô cùng dễ làm và không tốn nhiều thời gian chính là tokbokki nướng. Phiên bản gốc của món ăn này, những người dân vùng quê ở Hàn sử dụng bếp củi thì họ sẽ cho những thanh bánh gạo size lớn vào trong vỉ nướng và nướng trên than củi rực lửa cho đến khi bánh chín, hơi cháy xém phía ngoài thì cạo đi lớp cháy mà chấm cùng với mật ong.
Đối với những người dân thành thị không dùng bếp củi, họ thường đặt bánh gạo lên chảo nướng cùng với một ít dầu ăn hoặc cho vào nồi nướng điện phết thêm một ít bơ lạt bên ngoài để tăng mùi thơm. Làm theo cách này, tokbokki sẽ không bị cháy mà để lại một lớp vỏ giòn phía bên ngoài, bên trong thì lại dẻo dai. Đây thực sự là món ăn vặt mùa đông vô cùng thích hợp và đáng thử đấy.