Whole Food gần đây đã công bố danh sách hằng năm về “xu hướng thực phẩm lành mạnh được dự đoán năm 2019”. Trong số những thực phẩm được làm sạch bằng men vi sinh và những loại thực phẩm với bao bì bảo vệ sinh thái, các loại snack rong biển sẽ vẫn còn được ưa chuộng trong năm nay. Điều đó có nghĩa là, chúng ta có xu hướng ăn nhiều mì và tảo bẹ hay nhâm nhi snack rong biển sau giờ học, giờ làm. Nhưng tảo biển có khác gì với rong biển không? Rong biển có phải là tảo biển?
Sự tương đồng giữa rong biển và tảo biển
Đầu tiên là về sự tương đồng. Cả hai đều là loại tảo và được coi là rau biển. Cả hai cũng vô cùng bổ dưỡng, chứa nhiều vitamin A, canxi, sắt, kẽm và iốt. Tuy nhiên, lưu ý rằng cả rong biển và tảo bẹ đều có lượng iốt lớn. Nếu ăn quá nhiều iốt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tuyến giáp của bạn.
Sự khác biệt giữa rong biển và tảo biển
Về sự khác biệt, hầu hết chúng ta đều biết đến rong biển khô qua món rong biển cuốn sushi, rong biển cuộn kimbap. Nhưng rong biển không chỉ là những tờ giấy khô ấy. “Rong biển” là một thuật ngữ dễ hiểu bao gồm các loại tảo đỏ, nâu và xanh lục thuộc họ tảo. Nó có thể phát triển trong một số môi trường sống như biển, hồ, sông và đại dương, tuy nhiên nó thường bị nhầm là chỉ có ở nước mặn.
Nếu bạn thích dùng thử các loại rong biển khác nhau thì có rất nhiều loại để lựa chọn. Ngoài loại nori màu xanh lá cây đậm, còn có loại dulsi – một loại rong biển đỏ và wakame – một loại rong biển nâu. Dulsi chủ yếu được ăn khô và hương vị của nó thường được so sánh với thịt xông khói. Vì vậy hãy ăn và nghĩ tới chúng như phiên bản “thịt xông khói lành mạnh hơn” nhé. Mặt khác, wakame có vị ngọt hơn và khi khô, chúng có thể được bù nước để làm món salad và các món ăn khác.
Mặc dù tảo bẹ cũng là một loại rong biển, nó chỉ phát triển trong môi trường nước mặn, đó là lý do tại sao nó được thu hoạch gần bờ biển đá. Vì tảo bẹ lớn hơn nhiều so với các loại tảo khác, nó cần sự di chuyển liên tục của nước để có được chất dinh dưỡng. Tảo bẹ cũng không nổi xung quanh như rong biển. Nó mọc ở những vùng nước nông và có rễ cắm xuống dưới đáy đại dương, cho phép các nhóm tảo bẹ phát triển cùng nhau. Những túi khí nhỏ giúp thân tảo nặng trĩu nổi lên.
Kombu là bản dịch tiếng Nhật của tảo bẹ, vì vậy đừng băn khoăn nếu thấy từ đó được liệt kê trong bảng thành phần trên bao bì món ăn nhẹ yêu thích của bạn nhé. Như đã đề cập trong bài hướng dẫn nấu nước dùng Dashi, tảo bẹ là thành phần chính tạo nên hương vị thơm ngon cho loại nước dùng được sử dụng trong nhiều món ăn Nhật Bản này. Và nếu bạn đã ăn súp miso, thì bạn đã dùng qua tảo bẹ rồi đó.
Nguồn: https://www.chowhound.com
Dịch bởi: Tèobokki