Giấm là một loại thực phẩm lên men có lịch sử lâu đời nhất, được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như đồ uống, gia vị, ẩm thực. Khi đi mua giấm, bạn sẽ thấy trên kệ gồm có nhiều loại giấm khác nhau như giấm trắng, giấm gạo, giấm táo, giấm vải…Đặc điểm của mỗi loại giấm là gì? Cách sử dụng chúng trong nấu ăn như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về giấm và lựa chọn phù hợp với nhu cầu nhé!
1. Giấm trắng / Giấm lên men
Giấm trắng là loại có vị chua gắt nhất, mạnh nhất và giá thành rẻ nhất trong các loại giấm. Giấm trắng được làm đơn giản bằng cách cho lên men rượu ngũ cốc khiến vi khuẩn tiếp tục phát triển và tạo ra axit axetic làm cho giấm có vị chua. Giấm trắng không có màu, có mùi và vị đậm hơn các loại giấm khác, chứa khoảng 5% axit axetic. Ngoài nấu ăn, giấm trắng với nồng độ axit cao khoảng 20% có thể được sử dụng cho hoạt động khác như tẩy rửa, làm sạch.
Cách sử dụng giấm trắng trong nấu ăn:
- Luộc trứng: Cho một chút giấm trắng vào nước sôi luộc trứng giúp vỏ trứng dễ bóc hơn.
- Làm dưa chua: Dùng giấm trắng để muối dưa vì loại giấm này không có màu nên sẽ không ảnh hưởng đến màu của nước dưa muối. Hương vị của các loại rau củ cũng không bị thay đổi, ngoài ra giá thành giấm trắng khá rẻ nên có thể sử dụng để muối dưa theo số lượng lớn.
- Làm bánh: Cho một chút giấm trắng vào các loại bánh nướng, cupcake sẽ giúp bánh mịn và tơi xốp hơn, nhất là với loại bánh không dùng đến trứng gà.
- Nấu cơm: Cho một muỗng cà phê giấm vào nước nấu cơm sẽ làm cơm mềm hơn, nhất là khi bạn nấu loại cơm ngũ cốc.
- Pha sốt ướp và sốt salad: Giấm trắng giúp làm mềm thịt, cân bằng vị ngọt và vị mặn của món ăn. Hoặc khi pha chế sốt salad có nhiều đường hay gia vị thảo mộc thì dùng giấm trắng là tốt nhất.
2. Giấm gạo / Giấm gạo lứt
Giấm gạo được làm từ gạo lên men hay còn được gọi là rượu gạo, loại giấm này là nguyên liệu phổ biến trong ẩm thực Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam. Trong các loại giấm thì giấm gạo có hương vị nhẹ nhàng nhất, vừa đủ ngọt, ít gắt, vị êm dịu nên rất linh hoạt trong nấu ăn. Những món ăn cần một chút vị chua nhẹ mà không làm lấn át mùi vị của các nguyên liệu khác thì sử dụng giấm gạo là phù hợp nhất. Giấm gạo thường có hai loại bao gồm loại được làm từ gạo nếp và nước và loại được thêm gia vị đường và (hoặc) muối.
Cách sử dụng giấm gạo trong nấu ăn:
- Làm sốt salad: Có thể dùng giấm gạo để làm bất cứ loại sốt salad nào. Giấm gạo đặc biệt phù hợp với các loại gia vị châu Á như dầu mè, nước tương, gừng.
- Làm cơm sushi: Một trong những cách sử dụng giấm gạo đặc trưng là làm cơm sushi. Vị chua ngọt nhẹ nhàng của loại giấm này sẽ phù hợp hơn là sử dụng loại giấm khác. Cơm sushi đòi hỏi cần phải có giấm sushi, thường được pha từ giấm gạo, đường và muối.
- Pha sốt chấm, sốt ướp: Giấm gạo được xem là một loại gia vị để nêm nếm sốt ướp hay sốt chấm khi bạn cần đến một chút vị chua nhẹ nhàng.
- Muối chua: Bất kì loại giấm nào cũng có thể được sử dụng để muối chua rau củ. Nhưng với đặc điểm của giấm gạo là vị chua thanh nhẹ thì bạn có thể dùng cho món dưa chua phù hợp, chẳng hạn như muối gừng sushi.
- Xào rau củ: Thêm một chút giấm gạo kết hợp với gia vị như nước tương cũng đủ để làm cho món rau củ xào đa dạng hương vị, thêm phần hấp dẫn.
3. Giấm táo
Giấm táo được làm từ táo tươi nghiền, nấm men và đường tự nhiên có trong nước táo thông qua quá trình lên men. Men trong hỗn hợp sẽ tiêu hóa đường trong nước táo, biến nó thành rượu sau vài tuần. Sau đó, vi khuẩn tự nhiên phân hủy rượu thành axit axetic, tạo cho giấm có vị và mùi thơm.
Cách sử dụng giấm táo trong nấu ăn:
- Bảo quản thức ăn: Giấm táo là một chất bảo quản tự nhiên để bảo quản thực phẩm từ lâu. Chỉ cần cho 2-3 muỗng giấm táo vào thực phẩm để có thể dùng được lâu hơn.
- Làm sốt salad: Vị chua nhẹ và hương trái cây có trong giấm táo rất hợp để pha chế các công thức sốt salad.
- Ngâm trái cây, rau quả: Tính axit trong giấm táo có thể loại bỏ các vi khuẩn gây hại trong trái cây, rau củ bằng cách pha loãng giấm vào trong nước và ngâm 5-10 phút rồi rửa sạch lại.
- Luộc rau: Thêm ít giấm táo vào nước luộc rau sẽ giúp rau giữ màu xanh đẹp mắt hơn.
- Pha sốt chấm, sốt ướp: Cũng như các loại giấm khác, giấm táo có tác dụng làm mềm thịt, khử mùi tanh của thịt, cá cũng như tăng hương vị cho món ăn.
- Ngoài ra, giấm táo cũng được dùng để làm dưa chua, thêm vào món súp, hầm xương, pha trà detox, thêm vào công thức bánh nướng…
4. Giấm sushi
Giấm sushi có thành phần gồm giấm gạo, đường và muối được pha trộn theo lượng thích hợp. Với những ai chưa có nhiều kinh nghiệm làm món sushi tại nhà thì giấm sushi pha sẵn là sản phẩm vô cùng tiện lợi.
Sushi không thể có hương vị và kết cấu đặc trưng nếu không có giấm. Nó được dùng để tạo độ kết dính cho các hạt cơm có thể dính chặt vào nhau để tạo hình cơm sushi, onigiri hay poke đồng thời mang lại vị chua và ngọt nhẹ hấp dẫn cho món ăn.
5. Giấm vải
Giấm vải được lên men từ nước cốt vải và nấm men (axit axetic) thông qua quá trình lên men tự nhiên tạo ra vị giấm chua nhẹ không gắt. Giấm vải có nồng độ axit từ 5.7 – 6.7%, có màu vàng nhạt với hương trái cây và vị chua thanh ngọt nhẹ nên rất linh hoạt trong chế biến thực phẩm.
Cách sử dụng giấm vải trong nấu ăn:
- Pha sốt salad: Dùng chế biến các món ăn như Salad, pha nước chấm, với tỷ lệ 75ml giấm, 75ml nước, 15ml nước mắm và 25gr đường, có thể tăng giảm chua ngọt tùy khẩu vị.
- Khử mùi tanh thịt, cá: Pha với nước theo tỉ lệ 1:1 để khử mùi tanh của cá, rửa rau, củ, quả…
- Pha món uống: Dùng pha chế đồ uống theo công thức: 15ml giấm pha với 130ml nước và 20ml mật ong, khuấy đều, có thể để lạnh hoặc dùng với đá (đối với giấm vải lên men 100% tự nhiên).
6. Giấm uống
Là loại giấm được lên men tự nhiên bằng cách ủ rượu trái cây từ các loại trái cây như táo, lựu, bưởi, nho, việt quất, dứa…Giấm uống bản chất là rượu trái cây được lên men từ nước ép trái cây, sau đó lên men rượu trái cây với axit axetic để tạo ra giấm. Giấm uống dùng để pha chế đồ uống bằng cách pha với một lượng nước và đường thích hợp.
Trong giai đoạn Covid-19 diễn ra, thức uống giấm lên men khiến người tiêu dùng quan tâm vì nó giàu chất chống oxy hóa và tăng khả năng miễn dịch. Giấm lên men từ hoa quả tự nhiên chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin, axit amin, axit hữu cơ, ngăn ngừa quá trình axit hóa gây ra các bệnh do phá vỡ sự cân bằng của cơ thể, đồng thời thúc đẩy quá trình bài tiết muối giúp ổn định huyết áp, chống mệt mỏi. Nó được biết là đóng một vai trò tuyệt vời trong việc phục hồi và giảm đau cơ.